Kinh tế đất nước vẫn còn ngập chìm trong khó khăn với muôn vàn thử thách; hết tăng trưởng nóng, lạm phát… giờ đến nỗi lo kinh tế đình trệ, giảm phát. Cuộc sống trong vòng vây khó khăn này phát sinh lắm chuyện… ngược đời!
Từ sau cơn sốt chứng khoán - bất động sản mấy năm trước, nhiều người phất lên nhanh chóng! Căn nhà chung cư trao tay nhau đã có tiền tỷ, tài khoản chứng khoán margin mấy trăm phần trăm sau một đêm đã thành triệu phú. Tiền chỉ chảy lòng vòng giữa những tay buôn đất (thường được gọi với mỹ từ “nhà đầu tư thứ cấp”), đội lái chứng khoán (hay “nhà tạo lập thị trường”). Bong bóng dần phình ra, chỉ chờ đúng thời điểm tất cả đang say sưa trong sự thỏa mãn thì nổ tung!
Cuộc sống, dù là của những người lao động tay chân, buôn bán nhỏ lẻ hàng ngày lấm láp mồ hôi… hay những giám đốc, trưởng phòng vốn quen điều hòa máy lạnh… đều có những bước ngoặt đáng kể.
Một luồng báo chí phản ánh về cuộc sống của dân công sở với những bộn bề lo toan. Họ - vốn quen với máy lạnh, điều hòa, công việc ổn định, lương cao mà thưởng nhiều - giờ đây cũng phải lăn lộn với công việc làm thêm tay chân như bán trà đá, hàng ăn, đánh máy, hay bảo vệ… Chi tiêu và những nhu cầu không cần thiết đều phải cắt giảm tối đa để dành tiền cho thức ăn nước uống hàng ngày, cho con cái đến trường, cho đám xá họ hàng…
Những tít báo “thời tăng giá, dân công sở oằn mình đi làm thêm”, “muôn kiểu làm thêm của dân công sở”, “dân công sở ăn cơm đường mặc đồ tái chế”… không còn xa lạ. Thậm chí trong những người ngồi trước máy tính lướt web đọc những bài báo như thế này, có không ít người đồng cảnh ngộ.
Nhưng, nếu nhân viên công sở khó khăn một, thì người làm giám đốc, trưởng phòng hay là chủ doanh nghiệp tư nhân còn khó khăn gấp mười. Ở công ty thì lo làm sao cho doanh nghiệp sống sót qua cơn bĩ cực, trả được nợ, rồi lãi suất cao, hàng tồn kho, lương công nhân…vv; về nhà lại lo cho cuộc sống hàng ngày bị đảo lộn vì thu nhập chẳng bằng một phần so với trước. Nhiều người cầm cự được với sóng gió, nhưng nhiều người lại không thể đứng vững.
Câu chuyện về những giám đốc thời nay vì vậy cũng muôn màu muôn vẻ: có giám đốc bị ngân hàng phát mãi căn nhà, cũng là xưởng gỗ của công ty, giờ thành xe ôm; có giám đốc phải bán nhà trả nợ và dọn về nhà… ổ chuột; và có rất nhiều giám đốc sáng ở văn phòng, tối đi… bán trà đá kiếm thêm tiền mua sữa cho con!
Mới đây, câu chuyện về những nhân viên của một công ty địa ốc mở thêm cửa hàng bán đồ hải sản buổi tối, và nữ tổng giám đốc của họ cũng trở thành… bồi bàn phục vụ đã khiến nhiều người phải định nghĩa lại danh từ “giám đốc” của mình.
Không phải là hào hoa, bóng bẩy; thực tiễn cuộc sống thay đổi từng ngày và đầy khắc nghiệt, đòi hỏi những “giám đốc” phải “dám” dấn thân.
Họ - những tri thức trẻ, không ngần ngại làm những việc lao động chân tay vốn khác xa với ngành nghề của mình để vượt qua khó khăn, thật đáng khâm phục. Họ vừa là bài học đời thường chân thực nhất, vừa là tấm gương sáng cho những người trẻ kế tiếp vốn chỉ quen với “check face” và “cày game”; họ cũng xứng đáng để chúng ta níu giữ niềm tin vào tương lai đất nước khi mà thời gian qua những “tấm gương” trong giới giải trí nhan nhản với những vụ bán dâm, lộ hàng…vv…
Nhiều chuyện ngược đời! (Ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Nhưng cũng có một luồng báo chí phản ánh về những nghề nghiệp buôn bán nhỏ lẻ trong xã hội với mức thu nhập gây sốc trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay. Những nghề như: bán bún đậu mắm tôm, dán điện thoại laptop, cắt tóc nam, làm cà muối dưa muối, hát rong… đều được phản ánh tạo ra thu nhập hàng chục triệu/tháng. Đây không chỉ là mức thu nhập mơ ước của đại đa số người dân ở đất nước mà GDP bình quân đầu người chỉ ở mức 1,300 USD/năm mà còn của nhiều nhân viên công sở, trưởng phòng, giám đốc.
Thù lao của ông Nguyễn Quốc Cường (thường gọi là Cường “đô la”) - thành viên HĐQT CTCP Quốc Cường Gia Lai chỉ là 3 triệu đồng/tháng.
Không phủ nhận ưu thế của những nghề buôn bán nhỏ lẻ này: đó là vốn đầu tư ít, không cần phải có trình độ được đào tạo chuyên sâu, vốn thu hồi nhanh và quay vòng nhanh như máy giặt… nhưng cũng cần có cái nhìn bao quát hơn để kết luận về mức thu nhập của một nghề trong xã hội.
Mức tin cậy của những bài báo này đến đâu không ai kiểm chứng, nhưng cách đặt tít cho các bài viết như vậy chắc chắn là nhằm đánh vào trí tò mò của độc giả trong thời buổi khó khăn này để câu views. Và những gì đọng lại sau những bài viết này chỉ là những cái thở dài ngao ngán khi có sự so sánh giữa bản thân người đọc với những chị hàng rong, anh cắt tóc…
0 nhận xét: