Mỗi lần từ công ty về nhà, thấy cảnh tối tăm lạnh lẽo, con cái nheo nhóc, thiếu hơi ấm, tiếng cười, thiếu ngọn lửa tình yêu trong gia đình, anh Thịnh (42 tuổi, Hoàng Cầu, Hà Nội) lại thấy buồn vô hạn. Nỗi buồn này bắt đầu xuất hiện từ 2 năm nay, kể từ khi chị Hiền, vợ anh thay tâm đổi tính…
Công việc - gia đình: “nhất bên trọng, nhất bên khinh”
Vợ chồng anh Thịnh, chị Hiền yêu và cưới nhau đã được 15 năm. Trải qua sự lãng mạn của tuổi trẻ, khó khăn thủa ban đầu lập nghiệp và vất vả khi sinh con, cộng với bao buồn vui, đôi khi cả lầm lỗi trong cuộc sống… nhưng cả hai cũng đã cố gắng cùng nhau vượt qua.
Quãng thời gian dài của cuộc hôn nhân ấy đủ để khẳng định anh chị là cặp vợ chồng tâm đầu ý hợp, biết lo liệu, vun vén cho hạnh phúc gia đình. Bây giờ, khi ở độ tuổi ngoài 40, hai con đều đã khôn lớn, vật chất cũng đầy đủ khi anh chị có nhà cửa khang trang, đẹp đẽ cùng xe hơi.
Cả anh Thịnh và chị Hiền đều giữ những chức vụ nhất định trong công ty nên có thu nhập khá ổn định và đầy đủ để chi tiêu và tích lũy cho tương lai 2 con sau này…
Nhìn cuộc sống họ, nhiều người cho đó là một hạnh phúc đủ đầy. Thế nhưng, mặt khuyết của nó, chỉ có một người trong cuộc đang nhận ra rõ ràng hơn ai hết.
Anh Thịnh hoang mang khi thứ cần thiết nhất: là hạnh phúc, là hơi ấm gắn kết các thành viên trong gia đình lại đang dần rời xa. Đến lúc này, mọi sự cố gắng của 3 bố con anh dường như chẳng còn ý nghĩa.
Hình ảnh quen thuộc của nữ phó giám đốc khi về nhà mỗi tối là lăn ra giường mệt mỏi, mặt mũi bơ phờ, sẵn sàng cáu gắt với chồng con. Chị luôn miệng điệp khúc: “Mệt lắm, bận lắm, lui ra cho tôi nghỉ…” |
Tự xét lại mình, anh Thịnh bao năm nay luôn chủ động chia sẻ công việc và ủng hộ vợ trong việc học tập và công tác. Việc nhà như cơm nước, chợ búa anh lo liệu hoàn toàn, khi vợ cần được sẻ bớt gánh nặng việc nhà.
Hai con anh từ khi đi học mẫu giáo đến giờ đã cấp I và cấp II thì bố luôn là người lo việc trường lớp và chăm sóc chu đáo. Rời khỏi công ty, anh chỉ thích về nhà vui vầy với vợ con.
Là tuýp người nội tâm và lãng mạn nên anh cũng hay có các kế hoạch để gia đình đi chơi khám phá cũng như có nhiều thời gian để cả nhà bên nhau.
Bản thân chị Hiền cũng có nhiều ưu điểm. Lấy được người chồng chu đáo, biết quan tâm, chia sẻ với vợ, chị không ỷ lại mà tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi để khi ở tuổi 35, chị đã có trong tay tấm bằng tiến sĩ chuyên ngành hóa thực phẩm.
Nếu so sánh chức tước ngoài xã hội thì chị còn hơn anh một bậc khi đã là Phó giám đốc của một công ty lớn. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, kể từ khi được thăng chức, chị tỏ ra quá bận rộn công việc. Chị thường xuyên phải đi công tác với những chuyến đi dài dằng dặc và triền miên hết từ tuần này sang tuần khác.
Thậm chí, vào cả những ngày cuối tuần chồng con vẫn thấy chị sẵn sàng hành lý lên đường. Những ngày chị ở nhà thì lại phải tiếp khách, họp hành cuộc nọ gối cuộc kia kín mít, không hôm nào chị về nhà trước 19h30.
Cũng chính bởi vậy mà thời gian cho con cái không còn nữa. Chị thậm chí còn không biết con thi học kỳ vào ngày nào, điểm thi ra sao.
Hình ảnh quen thuộc của nữ phó giám đốc khi về nhà mỗi tối là lăn ra giường mệt mỏi, mặt mũi bơ phờ, sẵn sàng cáu gắt với chồng con. Chị luôn miệng điệp khúc: “Mệt lắm, bận lắm, lui ra cho tôi nghỉ…”
Tuy nhiên, khi người của cơ quan hay bạn bè gọi đến thì chị mệt mấy cũng sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Tóm lại anh Thịnh chỉ thấy được vợ mình nở nụ cười vui vẻ và nhiệt huyết khi ở bên cạnh bạn bè và đồng nghiệp.
Để cải thiện tình hình, “lôi” vợ về với các con, anh Thịnh đã cố gắng sắp xếp để 2 vợ chồng gần gũi nhau hơn, có thời gian cho nhau nhưng chị lại thấy không cần thiết. Chị còn mắng anh là bày vẽ, phí phạm thời gian.
Theo quan điểm của chị, cuộc sống như vậy là quá bình thường; yêu con không nhất thiết cứ phải là kè kè bên con, giặt một bộ quần áo, nấu một bữa ăn cho chúng… Chị bảo đã chuẩn bị sẵn sàng hết về tài chính để có thể lo cho cả 2 con đi du học tại Mỹ sau này.
Nghe vợ thao thao bất tuyệt một hồi, anh Thịnh biết có nói thêm gì nữa cũng là vô ích. Yêu vợ, và nhiều lần trao đổi để vợ hiểu nhưng mọi cố gắng của anh Thịnh đều tỏ ra vô ích.
Phải làm sao để chị cân bằng được công việc và gia đình và hiểu rằng hạnh phúc dành cho gia đình mới là quan trọng hơn cả, anh Thịnh cần lời khuyên của các chuyên gia tư vấn tâm lý.
Khéo léo để kéo vợ về với gia đình
Vấn đề mà vợ chồng anh Thịnh đang gặp phải chính là việc anh không hài lòng khi vợ anh vì mải làm việc mà ngày càng ít quan tâm đến gia đình. Hay nói cách khác, đó là mâu thuẫn xuất hiện khi có sự thay đổi vai trò giữa người vợ và người chồng trong việc chăm sóc gia đình.
Lâu nay trong xã hội Việt Nam, theo quan niệm truyền thống thì người vợ luôn phải là người lo cơm nước, nhà cửa con cái, chăm sóc gia đình, cho dù họ có là ai và làm chức vụ gì đi chăng nữa. Rất ít người đàn ông chấp nhận một bà vợ chỉ chạy quanh lo công việc mà bỏ mặc gia đình.
Anh Thịnh cũng không là ngoại lệ. Điều làm anh cảm thấy bất mãn và thất vọng đó là càng ngày vợ anh càng xa rời những bổn phận nghĩa vụ với gia đình mà mải mê lo lắng cho công việc xã hội.
“Tôi đồng ý với anh rằng việc quan tâm, chăm sóc gia đình để gìn giữ hạnh phúc hôn nhân là điều quan trọng nhưng không chỉ với riêng phụ nữ mà ngay cả nam giới cũng vậy. Tuy nhiên, cũng khó có thể đòi hỏi cả hai phải quan tâm bằng nhau hay bên nào nhiều hơn.
Vấn đề ở đây là mỗi người cần phải có sự điều chỉnh linh hoạt công việc và thời gian của mình để sao cho có thể dành thời gian cho gia đình được nhiều nhất. Tôi thấy anh đã rất tuyệt vời khi ngoài thời gian cho công việc, anh vẫn dành rất nhiều thời gian, công sức để giúp vợ việc nhà, chăm con cái hay chu toàn những bổn phận khác.
Tôi tin là với sự ủng hộ, giúp đỡ đó của anh mà vợ anh có được vị thế và sự phát triển công việc tốt như ngày hôm nay.
Anh nói rằng 2 năm nay vợ anh thay tâm đổi tính nên sao nhãng việc nhà cửa, con cái. Nhưng điều làm tôi suy nghĩ là liệu có phải cô ấy thay tâm đổi tính hay do được cất nhắc lên vị trí cao hơn mà cô ấy bận rộn nhiều hơn?
Tôi nghĩ người phụ nữ trong xã hội hiện đại cũng có rất nhiều những áp lực và gánh nặng phải lo toan. Vợ anh cũng vậy, cô ấy ngoài bổn phận với gia đình thì cũng phải lo lắng chu toàn cho việc công sở. Nếu ở vị trí lãnh đạo thì cô ấy còn phải mất nhiều thời gian hơn nữa cho công việc để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Việc cô ấy không bao giờ về nhà trước 19h30 cũng không có gì quá trở ngại cho cuộc sống gia đình nhưng vấn đề làm tôi băn khoăn ở cô ấy đó là việc cô ấy có thái độ cáu gắt, xa lánh chồng còn và không còn nhu cầu tình cảm với chồng.
Nguyên nhân xuất phát của tình trạng này có thể ở hai dạng: một là do cô ấy quá mệt mỏi, stress mà dẫn đến tâm trạng đó, hai là giữa vợ chồng anh đã dần không còn sự kết nối về tình cảm, tâm hồn dẫn đến sự xa cách.
Tôi nghĩ nếu ở dạng thứ nhất thì không khó tìm ra giải pháp, nhưng nếu ở dạng thứ hai thì có lẽ anh sẽ cần phải sớm thay đổi” – Chuyên gia tư vấn Võ Thanh Giang, Trung tâm Tư vấn Tâm lý Tình cảm Linh Tâm phân tích.
Cũng theo chị Giang, trước khi anh Thịnh trách móc hay chán nản buông xuôi, trước hết anh hãy nhìn nhận lại xem liệu mình đã biết thông cảm, chia sẻ với vợ về những khó khăn cô ấy đang phải trải qua hay không? Liệu có phải vì anh chán nản mà anh cũng mặc kệ nhà cửa con cái không ai chăm lo?
Không khó khăn để tìm giải pháp cho vấn đề việc nhà hay chợ búa cơm nước. Anh Thịnh có thể nhờ ông bà hai bên hoặc người giúp việc nếu cần hoặc thậm chí anh có thể khi có thời gian.
Điều anh cần làm là bàn bạc, chia sẻ một cách chân thành, thẳng thắn với vợ anh về cảm nhận cũng như mong muốn của anh và anh cũng cần lắng nghe những tâm sự, mong muốn, nhu cầu của cô ấy về cuộc sống gia đình hiện tại.
Anh có chia sẻ rằng vợ anh có rất nhiều ưu điểm vậy không lẽ bây giờ những ưu điểm đó đã mất đi. Để có thể thay đổi và điều chỉnh, chỉ cần anh có sự khéo léo, thông cảm và kiên nhẫn để giúp chị nhìn nhận lại.
Thêm nữa, anh Thịnh có thể nhờ những người bạn thân hiểu chuyện của anh chị hay nhờ bố mẹ người thân hai bên chia sẻ, tác động để vợ anh có thể nhận thức được bổn phận và nghĩa vụ với gia đình mà chị ấy cần cùng anh thực hiện.
Trước mắt anh hãy cố gắng giúp đỡ vợ chu toàn việc nhà cửa, con cái, đồng thời nỗ lực chia sẻ, tâm sự với vợ về những khó khăn mà chị đang gặp phải.
Việc quan trọng nữa là nhìn nhận lại tình cảm của anh và chị lâu nay dành cho nhau thế nào? Liệu tình cảm đó có thường xuyên được vun xới, bồi đắp? Với sự chân thành lo lắng cho hạnh phúc của tổ ấm cũng như sự quan tâm yêu thương hết lòng của anh Thịnh với vợ thì chị sẽ sớm nhận ra điều mình cần phải gìn giữ là gì.
Trong trường hợp những mong muốn chính đáng của anh không được chị đáp ứng hoặc quan niệm hạnh phúc của anh và chị có quá nhiều khác biệt thì anh có thể xem xét đến việc nên hay không nên duy trì một cuộc hôn nhân có quá nhiều khác biệt như vậy.
0 nhận xét: